9 Công dụng chữa bệnh và cách dùng hiệu quả cây huyết dụ

Cây huyết dụ: Công dụng chữa bệnh và cách dùng hiệu quả

Cây huyết dụ là loài cây được trồng nhiều tại Việt Nam với công dụng làm cảnh. Thế nhưng ít ai biết được rằng, ngoài tác dụng làm cảnh, loài cây này còn là một trong những dược liệu quý trong y học với nhiều công dụng như trị các bệnh về đường huyết, phong thấp, đau nhức xương khớp,…

Để tìm hiểu rõ hơn về công dụng chữa bệnh cây huyết dụ và cách dùng hiệu quả, hãy cùng khám phá trong bài viết dưới đây nhé!

Đặc điểm câu huyết dụ

Cây huyết dụ còn có tên gọi khác là cây phật dụ, thiết thụ, chổng đeng, co trướng lậu, quyền diên ái…

Tên khoa học của cây huyết dụ là Cordyline terminalis Kunth. Loài cây này phân bố và mọc hầu hết ở khắp các tỉnh thành từ Bắc chí Nam. Do có hình dáng khá đẹp lá lại có màu sắc đặc biệt là màu đỏ nên cây huyết dụ thường được trồng ở các gia đình vừa để làm thuốc lại vừa để làm cảnh. Do vậy cây rất dễ kiếm và dễ tìm để làm thuốc.

Cây huyết dụ là loài cây thân thảo, mọc tập trung thành từng đám, thân cây mảnh, nhỏ, nhiều đốt sẹo, gần như không phân nhánh và cao chừng 2m. Từ phần ngọn, lá mọc tập trung thành cụm, xếp thành 2 dãy. Mỗi phiến lá dài, có hình lưỡi kiếm, thuôn nhọn ở đầu, dài từ 20 – 50cm, rộng khoảng 5 – 10cm. Mép lá nguyên, không xẻ thùy, hai mặt màu đỏ tím tía, cuống lá dài.

Loại cây này có vị nhạt, tính mát, hơi đắng có tác dụng bổ huyết, cầm máu. Bộ phận dùng làm thuốc của cây là lá.

Cây huyết dụ có 2 loại: Một loại có mặt trên lá và mặt dưới lá đều có màu tím, một loại khác nữa là mặt trên lá có màu xanh mặt dưới lá có màu tím. Cả hai loại đều được dùng làm thuốc, trong đó loại cây có lá đỏ cả 2 mặt được dùng phổ biến hơn.

Cây huyết dụ được ứng dụng nhiều trong chữa bệnh
Cây huyết dụ được ứng dụng nhiều trong chữa bệnh

Cây huyết dụ chữa bệnh gì?

Theo y học cổ truyền

Trong nhiều tài liệu y học cổ truyền, huyết dụ là dược liệu có vị hơi ngọt, tính bình và quy vào 2 kinh gồm Can, Thận với nhiều công năng như thanh huyết, cầm máu, tán ứ định thống, bổ huyết, thông ứ,…Với nhiều đặc tính dược học quý hiếm như vậy, cây huyết dụ chữa được các bệnh sau:

  • Trị lao phổi đi kèm với thổ huyết, ho gà ở trẻ em.
  • Chữa rong kinh, băng huyết, lậu huyết, kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường và mất nhiều máu.
  • Chữa kiết lỵ ra máu, viêm ruột, lỵ, xích bạch đới.
  • Trị phong thấp, đau nhức toàn thân, sưng do chấn thương hiệu quả.

Theo y học hiện đại

Bên cạnh nền y học cổ truyền, ngày nay, y học hiện đại cũng đã có nhiều nghiên cứu chứng minh được những tác dụng cây huyết dụ. Trước tiên là kết quả của nhiều thực nghiệm cho thấy loài cây này chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe gồm Phenol, Acid amin, đường, Anthocyanin, chất chống oxy hóa,…

Qua kết quả của các nghiên cứu đã khẳng định lá cây huyết dụ là một dược liệu quý nhờ những tác dụng sau đây:

  • Kháng viêm, ức chế sự hoạt động của một số vi khuẩn, chống oxy hóa.
  • Trị ho ra máu, chảy máu cam, đi tiểu ra máu, kiết lỵ, bệnh trĩ.
  • Điều trị phong thấp, nhức mỏi xương khớp, cơ thể ê ẩm.
  • Chữa rong kinh, băng huyết, kinh nguyệt mất nhiều máu ở phụ nữ.
  • Trị sốt xuất huyết, ho gà.
Cây huyết dụ chữa được rất nhiều bệnh
Cây huyết dụ chữa được rất nhiều bệnh

Cách dùng cây huyết dụ chữa bệnh

Chữa chứng sốt xuất huyết (kể cả các xuất huyết dưới da)

Chuẩn bị lá huyết dụ tươi 30g, trắc bá sao đen 20g, cỏ nhọ nồi 20g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

Chữa chảy máu cam và chảy máu dưới da

Chuẩn bị lá huyết dụ tươi 30g, trắc bá diệp sao cháy 20g, cỏ nhọ nồi 20g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

Chữa ho ra máu

Chuẩn bị lá huyết dụ 10g, rễ rẻ quạt 8g, trắc bách diệp sao đen 4g, lá thài lài tía 4g, tất cả phơi khô, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

Cây huyết dụ chữa ho ra máu
Cây huyết dụ chữa ho ra máu

Chữa xuất huyết tử cung, tiêu chảy ra máu

Chuẩn bị lá huyết dụ tươi 40 – 50g (nếu sử dụng lá khô, hoa khô lượng chỉ bằng nửa lá tươi), sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

Lưu ý, bài thuốc này không dùng cho phụ nữ sau khi nạo thai hoặc đẻ sót rau.

Chữa bạch đới, khí hư, lỵ, rong huyết, viêm dạ dày, viêm ruột, trĩ nội, hậu môn lở loét ra máu

Chuẩn bị huyết dụ tươi 40g, lá sống đời (lá bỏng) 20g, xích đồng nam (lá băn) 20g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

Chữa vết thương hay phong thấp đau nhức

Dùng huyết dụ (cả lá, hoa, rễ) 30g, huyết giác 15g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

Cây huyết dụ chữa rong kinh, băng huyết

Chuẩn bị lá huyết dụ tươi 20g, rễ cỏ tranh 10g, đài tồn tại của quả mướp 10g, rễ cỏ gừng 8g. Thái nhỏ cho 300ml nước sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Hoặc lá huyết dụ tươi 20g, cành tử tô 10g, hoa cau đực 10g, tóc một ít đốt thành than, thái nhỏ, trộn đều sao vàng rồi sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

Chữa đi tiểu ra máu

Chuẩn bị lá huyết dụ tươi 20g, rễ cây rang 10g, lá lẩu 10g, lá cây muối 10g, lá tiết dê 10g. Tất cả rửa sạch để ráo nước, giã nát vắt lấy nước cốt uống.

Chữa kiết lỵ

Chuẩn bị lá huyết dụ tươi 20g, cỏ nhọ nồi 12g, rau má 20g, giã nát cho vào chút nước vắt lấy nước cốt uống ngày 2 lần.

Lưu ý khi sử dụng cây huyết dụ

  • Đối với phụ nữ không nên dùng cây huyết dụ trước khi sinh, hoặc sau khi sinh mà nhau thai vẫn chưa ra hết.
  • Sử dụng cây huyết dụ chữa bệnh gì cũng cần tham khảo ý kiến và tuân thủ lời khuyên, hướng dẫn của các bác sĩ, chuyên gia, không được tự ý điều chỉnh liều lượng.
  • Để thấy được hiệu quả rõ rệt, người dùng cần sử dụng kiên trì trong thời gian dài.
  • Không nên dùng dược liệu cho những người bị mẫn cảm với bất cứ dược liệu nào.
  • Cần ngay lập tức tìm đến các cơ sở y tế nếu thấy có những dấu hiệu bất thường khi sử dụng cây huyết dụ.

Trên đây là những bài thuốc, công dụng và cách dùng cây huyết dụ hiệu quả. Hy vọng sẽ giúp bạn biết cách sử dụng huyết dụ đúng cách để bảo vệ sức khỏe.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *