Cây Bạch chỉ là vị thuốc quý được dùng từ lâu đời với tác dụng kháng khuẩn, hạ sốt giảm đau, viêm mũi, hậu sản…
Bạch chỉ là vị thảo dược quý được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh từ từ lâu đời. Cùng tìm hiểu chi tiết tác dụng chữa bệnh và cách dùng loại cây này hiệu quả tại bài viết dưới đây.
Đặc điểm cây Bạch chỉ
Cây Bạch chỉ có tên gọi khác là xuyên bạch chỉ, lan hòe, bạch cự, thần hiêu, chỉ hương, phù ly, linh chỉ, hưng an bạch chỉ…Tên khoa học: Angelica Dahurica Benth. Et Hook. F. Họ: Apiaceae.
Đây là cây thảo sống lâu năm, cao 1 – 2m. Thân hình trụ, tròn, rỗng màu tím hồng tía hay trắng. Lá xẻ 3 lần long chim, mép có răng cưa, cuống lá dài phình ra thành bẹ: hoa tự tán kép, mọc ở kẽ lá hay đầu cành, màu trắng. Quả bế đôi thường gọi nhầm là “hạt”.
Lá to, xẻ lông chim, màu xanh. Cuống lá dài khoảng 4 – 20cm, phần cuối cuống phát triển thành bẹ ôm vào thân. Hai bên mép lá có hình răng cưa, đường gân phía mặt trên của lá được bao phủ một lớp lông tơ mềm.
Cây bạch chỉ cho ra hoa vào thời điểm tháng 7 -8 hàng năn. Hoa màu trắng mọc thành cụm ngay đầu cành hoặc kẽ lá, có hình tán kép, kích thước từ 10 – 30cm. Các tán hoa nối với thân bằng một cuống chung dài 4 – 20cm. Cánh hoa có khía, hình trứng ngược. Bầu nhụy có thể nhẵn hoặc chứa lông tơ.
Quả bế đôi dẹt, ra vào tháng 8 -9 trong năm. Chiều dài quả khoảng 4 – 7mm, hình bầu dục, một số quả hơi tròn.
Ở Việt Nam, Bạch chỉ được trồng nhiều ở các tỉnh đồng bằng hay các vùng núi phát triển rất tốt. Các tỉnh có trồng nhiều bạch chỉ là Hà Nội (Văn Điển); Vĩnh Phúc (Tam Đảo); Lào Cai (Sa Pa)…
Tác dụng cây Bạch chỉ
Theo y học hiện đại
Các nghiên cứu và thí nghiệm, đã chứng minh bạch chỉ có các tác dụng sau:
Tác dụng kháng khuẩn
Nghiên cứu bằng pháp khuếch tán thuốc trên môi trường có nuôi cấy vi khuẩn, đã chứng minh nước sắc và cao chiết bạch chỉ có tác dụng ức chế sự phát triển của các loại phế cầu khuẩn, liên cầu tán huyết, tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn subtitis, trực khuẩn lị. phẩy khuẩn tả, tràng cầu khuẩn, trực khuẩn thương hàn.
Tác dụng hạ sốt giảm đau
Một nghiên cứu trên thỏ bằng cách tiêm pepton để gây sốt, sau đó dùng nước sắc bạch chỉ cho thấy tác dụng giảm sốt. Tiêm acid acetic 0,6% vào màng bụng thỏ để gây đau quặn, cho dùng bạch chỉ với liều 10g/kg thấy có tác dụng giảm đau.
Tác dụng giảm co thắt cơ trơn, bình suyễn
Thí nghiệm tạo mô hình co thắt khí phế quản chuột lang bằng histamin cho thấy thấy coumatin toàn phần chiết từ Bạch chỉ có tác dụng bình suyễn.
Tác dụng chống viêm
Coumarin toàn phần có trong cây bạch chỉ có tác dụng chống viêm khớp thực nghiệm do albumin hay formandehyd gây nên.
Tác dụng kích thích trung khu thần kinh
Chất angelicotoxin có trong Bạch chỉ, dùng liều nhỏ có tác dụng kích thích trung khu vận mạch, hô hấp, thần kinh phế vị, tủy sống, gây huyết áp tăng cao, hô hấp sâu, có thể gây nôn mửa, chảy nước miếng, dùng liều cao có thể gây co giật, liệt toàn thân.
Tác dụng đối với hệ tim mạch
Một nghiên cứu trên thỏ đã chỉ ra rằng, Bạch chỉ có tác dụng làm chậm nhịp tim, điện tim đồ không thay đổi, làm hạ huyết áp ở mèo và ức chế sức co bóp của tim ếch thực nghiệm.
Ngoài ra, cây Bạch khỉ còn có một số tác dụng khác như: giảm chảy máu, chống khối u.
Theo y học cổ truyền
Bạch chỉ có vị cay, tính ấm, đi vào các kinh: phế, vị, đại tràng, có tác dụng tán phong, trừ thấp, tiêu thũng, chỉ thống.
Cách sử dụng cây Bạch chỉ chữa bệnh
Bài thuốc chữa đau nửa đầu
Bạch chỉ, tế tân, thạch cao, nhũ hương đem tán thành bột mịn, thổi vào mũi, nếu đau đầu bên trái thì thổi mũi bên phải và ngược lại.
Bài thuốc chữa mụn nhọt mưng mủ
Bạch chỉ, đương quy, tạo giác mỗi thứ 7g đem sắc nước uống.
Bài thuốc chữa viêm tuyến vú giai đoạn đầu
Bạch chỉ, triết bối mẫu mỗi thứ 6g, đương quy 9g, nhũ hương chế 4,5g. Sắc nước uống.
Bài thuốc chữa đau bụng kinh
Hương bạch chỉ, quảng phụ chế, quảng mộc hương, cửu hương trùng, mỗi thứ 10g, trước khi có kinh nguyệt 2-3 ngày bắt đầu uống, mỗi ngày 1 thang, uống liên tiếp 4 thang.
Bài thuốc chữa đau răng, sâu răng
Bạch chỉ nghiền nhỏ thành bột, thấm vào bông, cho vào vị trí răng bị đau.
Bài thuốc chữa hôi miệng
Bạch chỉ, xuyên khung mỗi thứ 30g, tán thành bột mịn, viên thành hạt ngô, mỗi ngày ngậm 2-3 viên.
Bài thuốc chữa bỏng
Bạch chỉ, tử thảo, nhẫn đông đằng mỗi thứ 30g, bạch lạp 21g, băng phiến 1,5g, dầu vừng 500g. Dầu vừng đun nóng 130 độ C, bỏ bạch chỉ, tử thảo, nhẫn đông đằng vào đun tới 150 độ C, Bạch chỉ biến thành màu vàng cháy, lọc lấy dầu, thêm bạch lạp để nguội, thêm tiếp băng phiến. Lấy vải gạc sạch đã tiệt trùng thấm dầu băng vào vết bỏng hoặc lấy bông bôi dầu lên vết bỏng.
Bài thuốc trị các chứng hậu sản, phong, chóng mặt thường xuyên
Chuẩn bị nguyên liệu gồm Bạch chỉ dạng bột, mật ong nguyên chất. Sau đó trộn bột Bạch chỉ chung với một lượng mật ong vừa đủ sao cho hỗn hợp không quá nhão và không bị dính tay. Vo thành viên hoàn nhỏ cỡ đầu ngón tay. Duy trì uống mỗi ngày 1 viên trong thời gian khoảng 30 ngày.
Với những thông tin trong bài viết trên đây, hi vọng rằng sẽ cung cấp thêm những thông tin bổ ích cho bạn về cây Bạch chỉ. Tuy nhiên, trước khi sử dụng loại thảo dược này, người dùng cần tham khảo ý kiến của bác sỹ và chuyên gia, không nên tự ý sử dụng có thể đưa tới những hậu quả không mong muốn.