Dâm dương hoắc được biết đến là loại “tiên dược”giúp bổ thận, tráng dương cho đấng mày râu. Ngoài ra còn có tác dụng chữa phong thấp, tê bì chân tay, tiểu buốt,…
Từ xa xưa, dâm dương hoắc đã được xem là tiên dược dành riêng cho các đấng mày râu với vô số công dụng quý như: chữa liệt dương, đau thận, kích thích ham muốn tình dục và bổ sung tinh lực cho nam giới…
Thực hư tác dụng của dâm dương hoắc như thế nào? Cách sử dụng ra sao? Hãy cùng tìm hiểu tại bài viết dưới đây nhé!
Đặc điểm, thành phần hóa học cây Dâm dương hoắc
Dâm dương hoắc còn được biết đến với nhiều tên khác nhau như tiên linh tỳ, can kê cân, thiên lưỡng kim, cương tiền, tam thoa cốt, quế ngự phòng, tam thoa phong, phế kinh thảo, phỏng trượng thảo,…Tên khoa học là Epimedium macranthun Mooren et Decne, thuộc họ Berberidaceae.
Loài cây này có nguồn gốc từ những miền rừng núi và đồi thấp, mọc rất nhiều tại các tỉnh Trung Quốc. Qua nhiều thập kỷ, loài cây này đã du nhập sang các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Ở Việt Nam, vị thảo mộc này thường xuất hiện và được trồng nhiều tại các vùng núi cao có khí hậu ôn đới như vùng núi Tây Bắc, đặc biệt là Sapa và Hòa Bình, Lai Châu, Hà Giang,…
Dâm dương hoắc có nhiều loại: Dâm dương hoắc lá hình tim, lá to, lông mềm…
Loại thảo dược này có chiều cao trưởng thành chỉ khoảng 0.5 – 1 mét. Hoa của vị thuốc này có màu trắng tinh khiết, đài hoa có cuống dài.
Công dụng cây Dâm dương hoắc
Theo Y học cổ truyền
Theo dược học cổ truyền, Dâm dương hoắc vị cay ngọt, tính ấm nên có công dụng ôn thận tráng dương (làm ấm tạng thận và khỏe dương khí), cường cân tráng cốt (làm mạnh gân xương) và khứ phong trừ thấp.
Loài cây này thường được dùng để chữa các chứng bệnh như liệt dương, di tinh, tinh lạnh, muộn con, lưng đau gối mỏi, gân cốt co rút, bán thân bất toại, tay chân yếu lạnh, phong thấp, tiểu tiện bất cấm…
Theo Y khoa hiện đại
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy cây Dâm dương hoắc có chứa hàm lượng L-Arginine rất cao (L-Arginine là chất kích thích sản xuất hoóc-môn tăng trưởng, tăng cường sinh dục, thiếu chất này sẽ làm ảnh hưởng đến sự ham muốn). Chiết xuất trong lá là những nhóm chất có tác dụng làm tăng lưu lượng máu và cải thiện chức năng tình dục bao gồm: alcaloid, flavonoid và saponosid, phytosterol, tinh dầu, axít béo, vitamin E.
Bên cạnh đó, loài cây này còn có khả năng ức chế một số vi khuẩn như tụ cầu trắng, tụ cầu vàng, phế cầu khuẩn, thậm chí cả trực khuẩn lao.
Ngoài ra, vị thuốc này cũng có tác dụng giảm ho, trừ đờm, chống co thắt phế quản, làm hạ huyết áp và bảo hộ tế bào cơ tim trong điều kiện thiếu oxy nhờ khả năng làm tăng lưu lượng động mạch vành.
Trên thực tiễn lâm sàng học hiện đại, đã có những công trình nghiên cứu khảo sát khả năng trị liệu của loại cây này đối với một số bệnh lý nội khoa như cơn đau thắt ngực do thiểu năng động mạch vành, suy nhược thần kinh, viêm phế quản mạn tính, viêm khớp trẻ em, thiểu năng sinh dục…
Cách dùng Dâm dương hoắc
Ngâm rượu
Cách ngâm cũng khá đơn giản. Trước tiên, bạn nên cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu như sau:
- Dâm dương hoắc: 1kg.
- Nấm ngọc cẩu: 2 kg.
- Bạch tật lê: 0,5 kg.
- Kỷ tử: 0,5 kg.
- Đỗ trọng: 0,5 kg.
- Nhục thung dung: 1 kg.
- Đương quy: 0,5 kg.
- Ba kích: 2 kg.
- Sâm cau đỏ: 0,5 kg.
- Rượu trắng: 12 lít.
Cách ngâm rượu:
- Bước 1: Đem các vị thuốc rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất. Tiếp đó, riêng với dâm dương hoắc, bạn có thể sao với mỡ dê hoặc với muối rồi mang đi ngâm rượu.
- Bước 2: Cho tất cả vào bình ngâm rượu, sau đó mới đổ rượu vào, đem bình rượu đi hạ thổ.
- Đợi khoảng 30 ngày cho rượu ra chất là có thể lấy uống, mỗi ngày 1 lý nhỏ khoảng 30ml sau bữa ăn.
Nấu cùng thận dê
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 15g Dâm dương hoắc.
- 15g Thục địa.
- 15g Thỏ tỷ tử.
- 15g Hoài sơn.
- 15g Tiền mao.
- 15g Tang thầm.
- 15g Tử hà xa.
- 12g Sơn thù nhục.
- 2 quả thận dê.
Cách thực hiện: Cho tất cả các nguyên liệu vào nồi, nấu nhừ rồi chia thành 2 phần, ăn hết trong ngày.
Sắc nước uống
Sử dụng 10g lá Dâm dương hoắc khô rửa sạch, đun cùng 2 lít nước trên lửa nhỏ trong 10 phút. Thu được nước và uống trong ngày.
Lưu ý khi dùng Dâm dương hoắc
- Không nên uống quá liều chỉ định.
- Người gầy hoặc mắc các bệnh như: hay sốt nhẹ về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, môi khô họng khát, thích uống nước mát, trong ngực bồn chồn không yên, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ khô…không nên dùng.
Trên đây là một số thông tin về công dụng cây Dâm dương hoắc. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn biết cách sử dụng loại thảo dược này hiệu quả.