Quế được sử dụng làm gia vị trong đời sống hàng ngày từ xa xưa đến nay. Ngoài ra, tác dụng của Quế còn bao gồm hỗ trợ điều trị các bệnh: đau răng, cảm cúm, đau xương khớp…
Quế là một loại cây khá quen thuộc với đời sống, được sử dụng làm gia vị trong đời sống hàng ngày từ xa xưa đến nay. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đây còn là một loại thảo dược điều trị bệnh hiệu quả.
Vậy tác dụng của Quế là gì? Cách dùng Quế trong điều trị bệnh thế nào? Hãy cùng tìm hiểu tại bài viết dưới đây nhé!
Đặc điểm của Quế
Quế còn có tên gọi khác là Quế đơn, Quế bì, Nhục quế,…Tên khoa học:Cinnamomum, thuộc họ Long não (Lauraceae).
Cây quế là cây thuốc quý, thân gỗ, cao 10 – 20m, vỏ thân nhẵn, phân nhiều cành. Cành màu nâu, nhẵn và không có lông. Lá mọc so le, hình bầu dục, phiến lá dày và cứng. Mặt trên lá màu xanh sẫm, bóng, mặt dưới có 3 gân hình cung.
Hoa thường mọc thành chùm ở kẽ lá gần ngọn dài 7 – 15cm, màu trắng, mặt ngoài có lông nhỏ. Vỏ cây nhẵn, thường được phơi khô để dùng làm thuốc.
Vỏ khi phơi khô sẽ có dạng cuộn tròn, hình ống, dài 25 – 40cm, đường kính 1,5 – 5cm hoặc dạng mảnh uốn cong rộng 3 – 5cm. Mặt ngoài dược liệu màu nâu đỏ hoặc nâu sẫm, dễ gãy, có ít sợi. Mùi dược liệu thơm nồng, vị cay ngọt. Sau khi ngâm với nước thì lộ rõ phần mặt cắt vòng mô cứng màu trắng ngà.
Tại nước ta, loại cây này thường được phân bố tại các vùng núi phía Bắc như Cao Bằng, Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An,… Hiện nay, nó còn được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi cao.
Trong vỏ Quế có chứa các thành phần như sau:
- 5% tanin.
- 1,2-1,5% tinh dầu với khoảng 85% aldehyd cinnamic.
- acid cinnamic.
- acetat cinnamyl.
- cinnzeylanol.
- cinnzeylanin.
- o-methoxycinnamaldehyd.
Tác dụng của Quế đối với sức khỏe
Chống viêm nhiễm, kháng khuẩn
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Quế có tác dụng chống viêm, chống lại sự nhiễm trùng và phục hồi sự tổn thương ở mô nhờ chứa chất chống oxy hóa. Các hợp chất E-cinnamaldehyde và O-methoxycinnamaldehyde trong quế Ceylon cùng hợp chất Cinnamic Aldehyde trong quế Cassia có tác dụng chống viêm mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, hợp chất Cinnamic Aldehyde có trong thành phần loài cây này còn có khả năng kháng khuẩn và kháng nấm rất hiệu quả.
Chống oxy hóa, giảm nguy cơ ung thư
Quế có tác dụng trong việc chống lại các gốc tự do nhờ các hoạt chất chống oxy hóa rất mạnh. Vì thế, sử dụng bột quế đúng cách sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa được các bệnh về đường tim mạch và ung thư.
Giúp làm sạch máu và tăng cường lưu thông máu lên não
Quế có chứa thành phần giúp thanh lọc và loại bỏ các tạp chất có trong máu, giúp máu trở nên sạch hơn. Bên cạnh đó, bột quế còn giúp tăng cường lưu thông máu lên não, giúp cung cấp đủ oxy cho tất cả các bộ phận khác trong cơ thể.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Loại thảo dược này có tác dụng chữa các bệnh về tiêu hóa như ăn không tiêu, đầy hơi, tiêu chảy.
Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể
Quế chứa nhiều chất chống oxy hóa nên có khả năng kháng khuẩn rất tốt. Vì vậy, bột quế còn có khả năng ngăn chặn lại sự tất công của các tác nhân gây bệnh đối với cơ thể. Quế có thể giúp cơ thể chống lại các bệnh truyền nhiễm, giảm các triệu chứng viêm đường tiết niệu, lợi tiểu.
Làm sạch miệng và ngăn ngừa sâu răng
Mgậm quế pha với nước ấm sẽ giúp cho hơi thở có mùi thơm, làm sạch khoang miệng, giúp loại bỏ được mùi hôi miệng và ngăn ngừa sâu răng hiệu quả.
Cách dùng và liều lượng
Tùy vào tình trạng của mỗi người mà liều dùng thảo dược này sẽ hoàn toàn khác nhau. Dựa vào độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe và một vài yếu tố của người dùng. Quế có thể không an toàn đối với một số người, vì vậy hãy thảo luận với bác sĩ để tìm kiếm liều dùng phù hợp.
Các chuyên gia cho rằng, người trưởng thành có thể dùng khoảng 1 – 1,5g bột quế/ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp thảo dược này với một số nguyên liệu khác như mật ong để tận dụng tối đa các dưỡng chất và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc trị bệnh từ Quế như sau:
- Bài thuốc trị cảm, ra mồ hôi: Lấy 8 gam quế chi, 6 gam cam thảo, 6 gam sinh khương, 6g thược dược, 4 quả táo tàu đem sắc lấy nước và chia uống 3 lần trong ngày.
- Bài thuốc chữa trùng gió: Chuẩn bị 20 gam quế chi, 12 gam đinh hương, 12 gam hồi hương, 12 gam rau sam, 12 gam nghệ, 12 gam dây bìm bìm, 12 gam xương bồ, huyết giác và lá đậu gió. Tán nhỏ các nguyên liệu trên rồi trộn cùng với rượu để xoa bóp.
- Bài thuốc trị mụn nhọt có mủ: Lấy 10 gam quế và 2 củ hành giã nhỏ rồi đắp lên nốt mụn, băng gạc cố định trong một vài giờ. Làm 1 lần mỗi ngày.
- Bài thuốc trị chứng đau bụng kinh, đau bụng do hư hàn: Chuẩn bị 12 gam đương quy, 16 gam thục địa, 5 gam can khương, 4 gam cam thảo, 5 gam nhục quế. Đem các nguyên liệu trên sắc lấy nước uống hàng ngày.
Lưu ý khi sử dụng Quế điều trị bệnh
- Không nên quá lạm dụng nó vì có thể gây ra tác dụng phụ.
- Thành phần có chứa hoạt chất Cinnamaldehyde, có thể gây ra dị ứng ở miệng nếu như sử dụng quá nhiều.
- Tiêu thụ quá nhiều bột quế cũng khiến cho lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp, gây chóng mặt, mệt mỏi.
- Không để bột này bay quá nhiều vào mũi vì có thể gây ngạt, ảnh hưởng đường hô hấp.
- Nếu đang dùng thuốc để điều trị bệnh, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Quế.
Trên đây là những thông tin chi tiết về cây Quế. Hi vọng, thông qua bài viết này, bạn đã hiểu hơn về cây Quế cũng như liều lượng và cách dùng nó hiệu quả nhất.