Cây hương thảo có tác dụng gì? Cây hương thảo còn mang đến nhiều lợi ích như: đuổi muỗi, giải tỏa căng thẳng, hỗ trợ điều trị được các bệnh như: giải nhiệt, lợi tiểu, giảm sưng viêm, hỗ trợ tiêu hóa…
Cây hương thảo được nhiều người biết đến ở dạng tinh dầu có tác dụng tỏa hương thơm, đuổi muỗi hay mang đến sự sảng khoái cho con người.
Thế nhưng, rất ít người biết rằng, ngoài công dụng giải tỏa căng thẳng, hương thảo còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị được các bệnh như: giải nhiệt, lợi tiểu, giảm sưng viêm, hỗ trợ tiêu hóa…
Cùng khám phá các công dụng và cách dùng cây hương thảo chữa bệnh hiệu quả tại bài viết dưới đây nhé!
Đặc điểm, thành phần cây hương thảo
Cây hương thảo còn có tên gọi khác là cây tây dương chổi, tên khoa học Rosmarinus officinalis L., xuất phát từ tiếng Latin: Ros có nghĩa là sương và marinus nghĩa là biển, gọi chung là sương của biển, nói đến nguồn gốc của cây này trên bờ biển Địa Trung Hải. Loại cây này thuộc họ Hoa môi – Laminaceae.
Hương thảo là loại cây nhỏ, cao tối đa khoảng 1 – 2m, phân nhánh và mọc thành bụi.
Lá nhiều, hẹp, hình dải, dai, dài khoảng 1 – 3cm có mép gập xuống, không cuống; lá màu xanh thẫm và nhẵn ở trên, phủ lông rải rác màu trắng ở dưới. Lá hương thảo tươi rất được ưa chuộng làm gia vị các món ăn nguồn gốc châu Âu.
Hoa xếp 2 – 10 ở các vòng lá, dài khoảng 1cm, màu xanh dương hoặc lam nhạt, hơi có màu tím hoa cà, với những chấm tím ở phía trong các thùy.
Quả gồm 4 quả khô hợp lại, màu nâu. Toàn cây có mùi rất thơm. Hương thảo có nguồn gốc ở vùng Địa Trung Hải, được trồng nhiều ở Nam Âu, Tây Á và Bắc Phi. Người ta thường trồng trong những vườn khô và dọc theo bờ biển hoặc trong những chậu ở trên sân thượng…
Hương thảo được trồng bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành vào mùa xuân, thích hợp với khí hậu khô vừa phải và ấm áp, được che chắn bảo vệ đầy đủ.
Mùa hè đến, sau khi cây ra hoa sẽ là thời điểm thu hái cành cây. Người ta thường thu hái các ngọn cây có hoa, đem phơi trong bóng râm hoặc sấy khô, đập lấy lá làm hương liệu và làm thuốc.
Trong cây hương thảo có chứa tinh dầu dễ bay hơi (0,5% ở cây khô, 1 – 2% ở lá, 1,4 – 2% ở hoa), tanin, choline, saponosid axít, các axít hữu cơ (citric, glycolic, glyceric), acidrosmarinic và 2 heterosid là romaside và romarinoside.
Tinh dầu hương thảo là một chất lỏng không màu hoặc có màu vàng nhạt, về sau sẫm dần và cứng lại, có thể hòa tan vào rượu bất kỳ tỉ lệ nào. Tinh dầu chứa alpha-pinen, romarin, terpen, borneol, acetat bornyl, camphor, cineol và caryophyllen. Tinh dầu hương thảo có mùi thơm kết hợp giữa mùi long não nhẹ dịu với mùi của cây thông.
Cây hương thảo có tác dụng gì?
Theo Đông y, hương thảo có vị chát, mùi thơm nồng, tính ấm nóng, tác dụng bổ dưỡng, tăng cường sinh lực, hoạt huyết, tẩy uế trọc, kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, lợi mật, lợi tiểu, nhuận trường, chống viêm sưng, chống oxy hóa, kích thích tuần hoàn máu lên não, giúp tăng cường trí nhớ và sự tập trung, giúp chống rụng tóc và mau mọc tóc, giúp khử trùng đường hô hấp và làm long đàm, dễ khạc đàm.
Theo y học hiện đại, các nghiên cứu đã cho thấy, cây hương thảo có nhưng tác dụng như sau:
- Thư giãn tinh thần, làm dịu cơn đau.
- Giúp ra mồ hôi, bổ trợ tiêu hóa.
- Chống viêm, giải độc và thúc đẩy bài tiết mật.
- Ức chế Aflatoxine, ngăn ngừa ung thư.
- Làm thơm miệng, điều trị viêm tuyến nước bọt và loét miệng.
- Điều trị rụng tóc androgenetic bằng cách ngăn chặn testosterone tấn công các nang tóc.
- Làm lành các vết thương bị nhiễm trùng.
Cách sử dụng cây hương thảo chữa bệnh
Giảm đau nhức đầu
Dùng 2 – 3g lá hương thảo khô hãm trong một tách nước sôi làm một liều. Ngày uống 4 – 5 liều. Hoặc dùng 20g lá khô (30g lá tươi) hãm với 500ml nước sôi, chia 4 – 5 lần để uống trong ngày.
Điều trị loét miệng và viêm tuyến nước bọt
Dùng lá hương thảo sắc lấy nước súc miệng hàng ngày.
Tăng huyết áp, tăng tuần hoàn máu
Lấy lá hương thảo phơi khô rồi hãm uống như trà (mỗi lần dùng 2 – 3g lá và uống mỗi 2-3 cốc).
Giảm viêm khớp
Dùng dầu hương thảo mát-xa đầu gối 15 phút với mật độ 3 lần/tuần liên tục trong 2 tuần, bạn sẽ thấy tình trạng sưng đau giảm bớt.
Giảm căng thẳng
Cách đơn giản nhất để giảm căng thẳng đó là hít dầu hương thảo bằng cách mở lọ đựng và hít trực tiếp hoặc có thể nhỏ một vài giọt lên một miếng vải hoặc khăn giấy và giữ nó gần mũi. Hoặc bạn có thể sử dụng bằng cách cho vào máy khuếch tán hương liệu đến không gian xung quanh.
Kích thích mọc tóc, sát thương và viêm giác mạc nhẹ
Dùng lá cây hương thảo nấu với nước và xoa nước đó lên tóc, vết thương và rửa mắt.
Tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa
Bạn hãy hùng 200g lá khô hương thảo ngâm với 1 lít rượu trắng 40 độ, bảo quản thật tốt. Sau đó mỗi ngày pha 2ml với nước ấm để uống.
Tăng cường chức năng túi mật
Tạo hỗn hợp với 3 giọt tinh dầu hương thảo và ¼ muỗng dầu dừa, mát xa lên các vị trí túi mật
Lưu ý khi dùng cây hương thảo
- Chỉ nên dùng với lượng vừa phải, không nên dùng quá liều vì có thể gây ra co thắt, chóng mặt…
- Trẻ sơ sinh, trẻ em, những người có cơ địa nhạy cảm hoặc bị động kinh không nên dùng.
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không nên dùng.
Với các công dụng tuyệt vời như trên, cây Hương thảo xứng đáng là loại cây nên được trồng ở trong mọi nhà. Tuy nhiên, khi áp dụng các bài thuốc chữa bệnh bằng cây hương thảo, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.